Miền Bắc Tục thờ hổ ở Việt Nam theo tỉnh thành

Lai Châu

Thờ hổ ở Đền Bảo Hà, Lào Cai

Nhiều người dân tộc ở Lai Châu cũng có tục tôn sùng loài hổ. Tại Mường Tè thuộc Lai Châu có hòn đá thiêng tên Ông già đá trắng của người Hà Nhì, (gọi là Pú Tư), nổi tiếng linh thiêng. Người dân thờ cúng khối đá như phúc thần, luôn tin rằng thành tâm cầu gì là được nấy,ai cũng sợ bị quở phạt nếu cầu cúng không đúng phép tắc. Do nhiều người dân địa phương đã gặp hổ ngồi trên ngọn đồi này ngay giữa ban ngày, vì ban đêm không ai dám đến đây, đó là một con hổ trắng, rất to lớn, hung tợn (tiếng địa phương gọi hổ là Khà dừ), những người nhìn thấy hổ thường ngã lăn ra lập tức, về đến nhà đều bị ốm rất nặng, uống thuốc không khỏi, chỉ đến khi người nhà trở lại đây cầu xin mới thôi. Người ta tin, con hổ trắng ấy là do Pú Tư hóa thành[1].

Người Hà Nhì ở ngã ba biên giới có phong tục, nếu ai bị hổ vồ, mà lấy lại được xác thì chôn tại chính chỗ bị hổ vồ. Nếu chỉ còn dấu tích, vài mẩu xương, nắm tóc thì đắp mộ tại đó. Người Hà Nhì còn tin rằng, nếu người bị hổ vồ, thì linh hồn sẽ thành con ma và về nhà bắt người tiếp (cũng giống như truyền thuyết về ma trành). Không chỉ người Hà Nhì, mà nhiều dân tộc khác vẫn tin rằng, khi hổ ăn thịt ai, thì linh hồn người đó sẽ bị con hổ điều khiển, biến thành tay sai cho nó. Những linh hồn ấy sẽ đi theo, hầu hạ, canh giấc cho hổ. Khi hổ đói, thì các linh hồn dẫn hổ đi tìm người để ăn thịt. Những linh hồn đó còn dẫn dụ con người đi vào rừng, hoặc làm cho những người đi rừng mất vía mà quên lối về, cứ quẩn quanh không tìm được đường ra khỏi rừng, để rồi hổ bắt ăn thịt. Chỉ khi nào linh hồn ấy giúp hổ bắt được người, thì mới được đi đầu thai, thoát khỏi cảnh hầu hạ hổ. Người Hà Nhì ở ngã ba biên giới vì tin vào những câu chuyện ly kỳ đó, nên chôn xác người bị hổ vồ xong, họ mời nhiều thầy cúng, làm nhiều lễ đuổi tà ma, đuổi cái xấu đi, không cho con ma về nhà nữa[2].

Tuyên Quang

Người dân ở bản Nà Tông thuộc tỉnh Tuyên Quang đồn rằng, hổ là loài nhớ dai, biết trả thù, người Tày ở đây tin vào điều đó, nên phải lập ngôi đền thờ cúng sơn thần, thờ cúng cả loài hổ, để chúng không phá phách, trả thù [3]. Ở rừng Thượng Lâm ở Tuyên Quang, người Tày thường thả rông trâu, bò trong rừng nhưng thường hao hụt dần mà thủ phạm là hổ, nhất là sự việc đàn hổ rầm rộ kéo về bản Nà Tông cắn chết 30 con nhà đã gây chấn động trong vùng, giống việc trả thù con người hơn là kiếm mồi ăn. Người dân tộc Tày xóm Nà Tông đã xây dựng một ngôi miếu dưới chân núi Nà Tông. Cứ ngày rằm, mùng một, những ngày lễ, người dân lại sắp lễ, thành kính dâng hương. Họ không chỉ cúng sơn thần, mà còn cúng thần hổ, để loài hổ không đe dọa cuộc sống đồng bào[3].

Xuôi xuống phía bến đò hồ Na Hang ở Tuyên Quang, rồi bắt đầu leo núi từ con dốc có tên Hổ Vồ, trước đây, con dốc này là nơi hổ thường phục kích vồ người ăn thịt nên mới có tên như vậy. Phía dưới con dốc là thung lũng rất sâu, có hang đá rất sâu, nhiều ngóc ngách thông khắp quả núi đá vôi, nhiều người dân, thậm chí bộ đội đi qua con dốc này bị hổ vồ. Để hổ không ăn thịt người, thi thoảng dân bản phải dắt vào con dốc này lúc thì con dê, lúc con bò để cúng hổ. Hổ có mồi ăn, thì không bắt người nữa[4].

Vĩnh Phúc

Hoàng hổ (Hổ vàng) là con hổ trung tâm trong Ngũ hổ

Nhiều làng xã Việt Nam từ bao đời nay vẫn còn giữ tập tục thờ thần hổ. Tuy nhiên, nơi phát tích tục thờ thần hổ sớm nhất và duy trì lâu đời nhất ở làng Thổ Tang, tỉnh Vĩnh Phúc. Tương truyền, ngày xưa ở phía nam làng Thổ Tang có một khu rừng rậm có nhiều chim muông và thú dữ, nhất là hổ, chó sói sinh sống. Hằng năm cứ đến ngày mùa là hổ lại xuống làng phá phách nhà cửa, ruộng vườn và bắt đi nhiều gia súc, gia cầm. Dân làng tìm mọi cách ngăn ngừa, đề phòng hổ dữ phá làng, hại người nhưng đều vô hiệu. Một giấc mơ báo hiệu rằng làng Thổ Tang muốn yên ổn làm ăn vô sự thì phải lập đền thờ thần hổ.

Dân làng góp công sức xây dựng một ngôi miếu thờ thần hổ. Vị trí xây miếu ở ngay chỗ có in hình dấu chân hổ. Dân làng đặt tên cho miếu này là Miếu Trúc. Trước miếu, dân làng đắp hai con hổ trông rất uy nghi. Kể từ đó trở đi, hổ không còn về làng Thổ Tang phá hại nữa, và cũng kể từ đó, cứ vào những ngày sóc vọng người làng Thổ Tang lại cúng thần hổ. Bàn thờ cúng thần hổ được lập ở ngoài vườn. Đồ cúng thường là trầu, rượu, thịt, trứng sống. Vì thờ thần hổ nên làng Thổ Tang và các nơi có thờ thần hổ tuyệt đối không bao giờ ăn thịt hổ, kể cả việc kiêng dùng hổ cốt và cao hổ cốt.

Hải Dương

Ở vùng Hải Dương nói riêng cũng như miền Bắc nói chung, người ta coi rằng hổ biệt danh là chúa sơn lâm, vì nó có một sức mạnh và hung dữ mà không loài vật nào sống trong núi rừng địch nổi, vì cọp có sức mạnh ghê gớm và rất hung dữ, nên đến con người nhiều khi cũng kiêng nể cọp, thậm chí có không ít nơi, người ta còn sợ nó, tôn nó lên đến thần để thờ lạy nữa như ở làng Ngọc Cục, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương xưa kia người ta thờ thần Hổ. Chúng là ác thú được người kinh sợ đến độ lập đền thờ, hy sinh nhân mạng để tế lễ mỗi cuối năm mà Phạm Đình Hổ đã kể lại kỹ càng trong Vũ Trung tùy bút. Đến năm 1800, tục thờ hổ ở Hải Dương mới chấm dứt cùng với lễ tế mạng người này[5].

Bắc Giang

Hổ được tôn thờ liên quan đến tín ngưỡng thờ thần Độc Cước trong các di tích đình, đền, chùa đã có từ lâu tại các điểm thờ thần Độc Cước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tích thờ thần Độc Cước gắn với câu chuyện về hổ như thần tích ở Lục Nam kể rằng có một anh thanh niên mồ côi khi vào rừng thấy một chú hổ con bèn mang về nuôi, ngày ngày anh cùng con hổ ra bờ sông đơm đó. Một hôm anh dặn con hổ ở lại trông cá, con hổ ngủ thiếp đi, khi anh thanh niên quay về con hổ đang ngủ say, tưởng có người lạ đến lấy cá bèn bật dậy quật chết ngay lập tức, khi tỉnh ra thì đó là chủ mình, con hổ ân hận cứ nằm canh xác chủ không cho chôn, sau đó nó càm xác chủ qua vùng Sóc Sơn (Hà Nội)-Vĩnh Phúc và lại càm quay về, lúc này xác của chủ thối rữa ra, xương rơi khắp nơi, khi đi qua đất Sơn Giao thì một xương gióng chân rơi xuống. Hôm sau chỗ đó có mối đùn lên cao, nhân dân trong vùng lập miếu thờ phụng sau đưa vào thờ trong đình và gọi là thần Độc Cước[6].

Hà Nội

Tượng thờ bầy hổ ở một ngôi chùa làng ở Hà Nội

Hà Nội là một trong những vùng đất có tồn tại hình thức tín ngưỡng thờ Hổ. Đình Mông Phụlàng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội có mô típ trang trí như rồng, hổ, cá, chim, hoa lá, mây đều được chạm nổi, chạm lộng hoặc chạm ren, có một ban thờ lớn trang trí bằng tượng rồng, hổ phù ngậm chữ "Thọ" (chữ Hán: 壽). Đền Và tại phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, còn gọi là Đông Cung, trên trục trung tâm phía trước sân đền có một bình phong tạo những hang hốc mang vẻ tự nhiên. Mặt ngoài của bình phong thờ ngũ hổ trong hang với trung tâm là hổ vàng, mặt sau của động này đắp hình "long cuốn thủy" dưới dạng tứ linh với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà, được mùa và có người tài ra giúp dân giúp nước. Tranh Hổ còn được bày nơi nhiều đền chùa, nhất là các đền thờ Thánh Mẫu (như tranh Bạch Hổ Thần tượng đặt ở đền Quan Thánh, Hà Nội).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tục thờ hổ ở Việt Nam theo tỉnh thành https://web.archive.org/web/20170519222833/http://... https://web.archive.org/web/20171027125638/https:/... https://web.archive.org/web/20180630162000/https:/... https://web.archive.org/web/20170428051912/https:/... https://web.archive.org/web/20180307151226/http://... https://web.archive.org/web/20180307214345/https:/... https://web.archive.org/web/20170428053203/http://... https://web.archive.org/web/20170428054654/http://... https://web.archive.org/web/20170428050942/http://... https://web.archive.org/web/20220115104145/http://...